Nền kinh tế lớn nhất thế giới có cơ sở vững chắc khi bước sang năm mới, nếu xét đến lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp hay mức tăng lương.
Năm 2022, rất nhiều người lo ngại 2023 sẽ là năm Mỹ rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, nền kinh tế này đã sôi động ngoài dự kiến. Mỹ đang hướng tới “hạ cánh mềm” mà nhiều người từng cho là điều bất khả thi.
Trên CNN, Justin Wolfers – Giáo sư Đại học Michigan nhận định nền kinh tế không chỉ tránh được suy thoái, mà còn vượt qua tác động của xung đột Nga – Ukraine, cú sốc giá dầu, bất đồng của các chính trị gia và hàng loạt vấn đề khác.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 10/2023 dự báo Mỹ tăng trưởng 1,5% năm 2024. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng ước tính tương tự. Tốc độ này cao gấp đôi Anh và bỏ xa khu vực đồng euro.
Kinh tế Mỹ vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức, từ xung đột tại Trung Đông, cuộc bầu cử Tổng thống năm nay, đến vấn đề giá nhà đắt đỏ. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định có nhiều lý do để lạc quan vào nền kinh tế này trong năm 2024.
Lạm phát hạ nhiệt
Lạm phát Mỹ từng lên cao nhất 40 năm vào tháng 6/2022. Khi đó, rất ít người cho rằng giá cả có thể hạ nhiệt nhanh như hiện tại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 chỉ tăng 3,1%, giảm mạnh so với 9,1% giữa năm 2022.
Trong tháng 11, chỉ số giá chi tiêu cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng lần đầu giảm kể từ giữa năm 2020. Cả giá thực phẩm và năng lượng tại đây đều đi xuống.
Lạm phát hạ nhiệt sẽ giúp thu nhập khả dụng của các hộ gia đình tăng lên, củng cố tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Số liệu này đang tiến sát mục tiêu 2% của Fed và được dự báo chạm mốc này cuối năm sau.
Khi lạm phát giảm tốc, Fed cũng dừng nâng lãi suất để tránh nền kinh tế trật bánh và nhà đầu tư lo ngại. Trong cuộc họp chính sách mới nhất, quan chức Fed dự báo có ít nhất 3 lần giảm lãi suất năm tới.
Dù vậy, theo công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch, thị trường hiện cho rằng xác suất Fed giảm lãi từ tháng 3/2024 là 89%. Tổng mức giảm năm sau có thể vào khoảng 158 điểm cơ bản (1,58%). Lãi suất tham chiếu giảm sẽ kéo nhiều lãi suất khác xuống theo, từ vay mua ôtô, mua nhà đến lãi thẻ tín dụng.
Chứng khoán bùng nổ
Lạm phát hạ nhiệt, nỗi lo suy thoái dịu bớt, cùng kỳ vọng giảm lãi đã kéo chứng khoán Mỹ tăng tốc trong 2 tháng cuối năm. Chỉ số S&P 500 tăng 9 tuần liên tiếp – dài nhất kể từ năm 2004. Nasdaq Composite tăng 43%.
Không phải lúc nào thị trường chứng khoán cũng phản ánh đúng tính hình của nền kinh tế thực. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Wall Street đã cho thấy sự lạc quan vào kinh tế Mỹ, đặc biệt là vấn đề lạm phát và khả năng hạ cánh mềm. Hai điểm này đều có lợi cho cả người dân lẫn nhà đầu tư.
Thị trường việc làm vững chắc
Bất chấp Fed nâng lãi mạnh tay, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện vẫn ở mức thấp nhất 50 năm, tại 3,7%. Đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hiện thấp kỷ lục tại 218.000. Đây là dấu hiệu nhiều doanh nghiệp lưỡng lự cho người lao động nghỉ việc.
Nếu xu hướng này tiếp tục, tiêu dùng sẽ được hỗ trợ. Tiêu dùng hiện là lực đẩy chính của kinh tế Mỹ.
“Miễn là tỷ lệ thất nghiệp còn ở mức thấp kỷ lục, nền kinh tế vẫn sẽ ổn”, Mark Zandi – kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics nhận định.
Thu nhập tăng
Hậu Covid-19, giá cả tăng nhanh hơn thu nhập, khiến thu nhập thực của người Mỹ co lại. Tuy nhiên, xu hướng này gần đây đã thay đổi.
Reuters trích số liệu chính thức cho thấy lương giờ tại Mỹ tháng 11 tăng 4% so với năm trước đó. Tốc độ này giảm nhẹ, nhưng vẫn trên mức 3% mà giới chức coi là phù hợp với mục tiêu lạm phát 2%. Giới quan sát kỳ vọng theo thời gian, khi lạm phát dần đi xuống, thu nhập thực của người dân sẽ càng được cải thiện.
Trong bài phát biểu tại Cao đẳng Spelman đầu tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định khoản tiết kiệm từ trong đại dịch của người dân có thể sắp hết, nhưng lương tăng sẽ vẫn hỗ trợ tiêu dùng.
“Miễn là tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp, và lương giờ tăng nhanh hơn lạm phát, không có lý do gì hoạt động tiêu dùng lại không tăng”, Powell nhận định.